Thân Hữu Đồng Công - Hải Ngoại

Giáo Hội Hiện Thế - Thời Khoảng 21-24/9/2023

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Theo Thánh Âu Quốc Tinh, sự dữ là những gì thiếu vắng sự thiện.

Định luật thiên nhiên cũng chứng thực kinh nghiệm thực tế này nơi Thánh nhân.

Ở chỗ, vùng tối của trái đất tự xoay quanh (rotate) chính nó mỗi ngày một vòng

là vùng đang rotate ngược với mặt trời, tức là vùng thiếu ánh sáng mặt trời... 

cho tới khi nó xoay đến trước mặt trời mới sáng lại.

Thế giới loài người chúng ta hình như chưa bao giờ dồn dập xẩy ra nhiều sự dữ đến như vậy,

cả nhân tại lẫn thiên tai ở khắp nơi và liên tục như hiện nay...

phải chăng là vì thế giới loài người ngày nay thiếu ánh sáng mặt trời công chính là Chúa Kitô,

ở chỗ họ sống theo chủ nghĩa hiện sinh hưởng thụ một cách vô thần duy vật.

Tuy nhiên, Mặt Trời Công Chính vẫn chiếu sáng miễn là con người biết quay về với LTXC!

Thế giới loài người hiện nay mới cần đến một đức tin có quyền lực xoay vần loài người

từ vùng tối tăm sự dữ tội lỗi và chết chóc ra ánh sáng lạ lùng của sự sống thần linh.

Vậy với tất cả lòng tin tưởng của chúng ta hiệp thông nguyện cầu cùng LTXC cho thế giới,

chúng ta hãy tiếp tục theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thể 

trong thời khoảng 4 ngày qua ở những được links sau đây:


bé tĩnh


GIÁO HỘI


 

HIỆN THẾ

Đại Hội Đồng LHQ: Mátxcơva lên án phương Tây « mượn » tay Ukraina tấn công Nga

Thủ tướng Việt Nam tự vỗ tay cho bài diễn văn của chính mình tại LHQ

Cảnh sát Nga kiệt sức, thất vọng và mất phương hướng

 

Bài giảng cuả ĐTC trong Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ ở Marseille

Trong bài giảng Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ tại Sân vận động Vélodrome ở Marseille vào chiều thứ Sáu 23/9/2023, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng như Thánh Gioan Tẩy Giả, trong lòng bà Êlidabét, đã nhảy mừng khi được Chúa Giêsu, trong lòng Đức Mẹ, đến viếng thăm, những người có đức tin "nhảy mừng" vì sự hiện diện của Thiên Chúa. Và đức tin tạo ra sự nhảy mừng trước sự sống và nhảy mừng hướng về tha nhân.

 

TÔNG DU MARSEILLE
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ

Sân vận động Vélodrome, thứ Bảy 23/09/2023

Kinh Thánh kể rằng Vua David, sau khi thành lập vương quốc, đã quyết định vận chuyển Hòm bia Giao ước đến Giêrusalem. Sau khi triệu tập dân chúng, ông đứng lên và đi đón Hòm bia; và trong suốt cuộc hành trình, chính ông đã cùng với dân chúng nhảy múa trước Hòm bia, hân hoan vui mừng vì sự hiện diện của Chúa (xem 2 Sm 6,1-15). Đối lập với bối cảnh của cảnh này, thánh sử Luca kể cho chúng ta về cuộc viếng thăm người chị họ Êlisabét của Đức Maria: thực ra, Đức Maria cũng đứng lên và đi đến miền Giêrusalem, và khi Mẹ vào nhà bà Êlisabét, hài nhi mà bà đang mang trong bụng, đã nhảy mừng khi nhận ra sự xuất hiện của Đấng Mêsia, và bắt đầu nhảy múa giống như vua Đavít đã làm trước Hòm bia Giao Ước (xem Lc 1,39-45).

Do đó, Đức Maria được giới thiệu như Hòm bia Giao Ước thật khi giới thiệu Chúa nhập thể vào thế giới. Mẹ là Trinh Nữ trẻ tuổi đi gặp cụ già không còn khả năng sinh con và khi mang Chúa Giêsu, Mẹ trở thành dấu chỉ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, Đấng vượt qua mọi tình trạng vô sinh. Mẹ đi lên miền núi Giuđa, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa tiến về phía chúng ta, tìm kiếm chúng ta bằng tình yêu của Người và làm cho chúng ta vui mừng hân hoan.

Nơi hai người phụ nữ này, Đức Maria và bà Êlisabét, cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với nhân loại được mặc khải: một người còn trẻ và người kia đã già, một trinh nữ và một người vô sinh, tuy nhiên cả hai đều thụ thai theo cách “không thể được”. Đây là công việc của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta; Người biến những điều dường như không thể thành có thể, Người tạo ra sự sống ngay cả trong tình trạng vô sinh.

Thưa anh chị em, với tấm lòng chân thành, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Chúa, một cách kín đáo và thường không thể đoán trước, hành động trong lịch sử, thực hiện những điều kỳ diệu và cũng đang hoạt động trong các xã hội của chúng ta vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục của thế gian và một sự thờ ơ tôn giáo nào đó không?

Có một cách để nhận biết liệu chúng ta có lòng tin cậy nơi Chúa hay không. Tin Mừng kể rằng “khi bà Êlisabét vừa nghe lời chào của Đức Maria thì hài nhi đã nhảy mừng trong lòng bà” (c. 41). Đây là dấu hiệu: nhảy mừng. Bất cứ ai tin, ai cầu nguyện, ai chào đón Chúa đều nhảy múa trong Thần Khí, và cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng, và vui mừng “nhảy múa”. Và tôi muốn tập trung vào điều này: sự nhảy mừng của đức tin.

Kinh nghiệm đức tin trước hết tạo ra sự nhảy mừng trước sự sống. Nhảy mừng có nghĩa là được “chạm vào nội tâm”, có cảm giác hồi hộp bên trong, cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng mình. Nó trái ngược với một trái tim phẳng lì, lạnh lùng, sống một cuộc sống lặng lẽ, khép mình trong sự thờ ơ và trở nên không thể rung động, trở nên cứng rắn, vô cảm với mọi thứ và mọi người, thậm chí trước sự vất bỏ bi thảm sự sống con người, sự sống mà ngày nay bị từ chối nơi rất nhiều người di cư, cũng như nơi nhiều trẻ em chưa chào đời và nơi nhiều người già bị bỏ rơi. Một trái tim lạnh lùng và phẳng lặng kéo cuộc sống trôi đi một cách máy móc, không có đam mê, không có động lực, không có mong muốn. Và chúng ta có thể phát bịnh với tất cả những điều này trong xã hội châu Âu của chúng ta: sự hoài nghi, sự chán nản, sự cam chịu, sự không chắc chắn, một cảm giác buồn bã chung chung. Có người gọi đó là “những đam mê buồn”: đó là cuộc sống không có những sự nhảy mừng.

Tuy nhiên, những người được sinh ra trong đức tin đều nhận ra sự hiện diện của Chúa, như hài nhi trong bụng bà Êlidabét. Họ nhận ra hoạt động của Người khi mỗi ngày mới bắt đầu và nhận được đôi mắt mới để nhìn vào thực tế; ngay cả giữa những mệt mỏi, những vấn đề và đau khổ, họ vẫn thấy Chúa viếng thăm mỗi ngày và cảm thấy được Người đồng hành và nâng đỡ. Đối mặt với mầu nhiệm của đời sống cá nhân và những thách đố của xã hội, những người có đức tin đều có một bước nhảy vọt, một đam mê, một ước mơ để vun đắp, một mối quan tâm thúc đẩy họ dấn thân một cách cá nhân. Họ biết rằng Chúa hiện diện trong mọi sự, đang kêu gọi và mời gọi họ làm chứng cho Tin Mừng bằng sự hiền lành, để xây dựng một thế giới mới khi sử dụng những hồng ân và đặc sủng đã nhận được.

Kinh nghiệm đức tin, ngoài sự nhảy mừng trước sự sống, còn tạo ra sự nhảy mừng hướng đến tha nhân. Thật vậy, trong mầu nhiệm Thăm Viếng, chúng ta thấy rằng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không diễn ra qua những biến cố ngoại thường trên trời, mà qua sự đơn sơ của một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến trước cửa một gia đình, trong cái ôm dịu dàng giữa hai người phụ nữ, trong sự gặp gỡ của hai người đang mang thai đầy kinh ngạc và hy vọng. Và trong cuộc gặp gỡ này có sự quan tâm của Đức Maria, sự ngạc nhiên của bà Êlidabét, niềm vui chia sẻ.

Chúng ta hãy luôn nhớ điều này, ngay cả trong Giáo hội: Thiên Chúa có tính tương quan và thường xuyên đến thăm chúng ta qua những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, khi chúng ta biết cách mở lòng ra với người khác, khi có sự rung động đối với sự sống của những người đi ngang qua cạnh chúng ta mỗi ngày và khi trái tim chúng ta vẫn dửng dưng và vô cảm trước những vết thương của những người mỏng manh yếu đuối hơn. Các thành phố đô thị của chúng ta và nhiều quốc gia Châu Âu như Pháp, trong đó các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, theo nghĩa này, là một thách thức lớn chống lại sự thái quá của chủ nghĩa cá nhân, chống lại sự ích kỷ và khép kín tạo ra sự cô đơn và đau khổ. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu để có sự cảm động trước những người sống bên cạnh chúng ta, chúng ta hãy học nơi Người là Đấng, khi đối diện với đám đông mệt mỏi và kiệt sức, cảm thương và động lòng (x. Mc 6:34), đã trào dâng lòng thương xót trước thân xác bị thương tích của những người Chúa gặp. Như một trong những vị thánh vĩ đại của anh chị em, Thánh Vinh Sơn Phaolô, đã nói, “chúng ta phải cố gắng làm trái tim mình trở nên hiền dịu và khiến chúng nhạy cảm với những nỗi đau và sự khốn khổ của người khác. Chúng ta cần cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót thực sự, đó chính là Thần Khí của Người” để có thể nhận ra rằng người nghèo là “chúa và chủ của chúng ta” (Correspondance, entretiens, documents, Paris 1920-25, 341; 392-393).

​ Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến biết bao “sự nhảy mừng” của nước Pháp, nghĩ đến một lịch sử phong phú về sự thánh thiện, văn hóa, các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng, đã làm say mê nhiều thế hệ. Ngay cả ngày nay, cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của Giáo hội, nước Pháp, châu Âu cũng cần điều này: cần ơn nhảy mừng, một bước nhảy vọt mới của đức tin, lòng bác ái và hy vọng. Chúng ta cần khám phá lại niềm đam mê và nhiệt huyết, khám phá lại sở thích dấn thân cho tình huynh đệ. Chúng ta cần một lần nữa dám mạo hiểm yêu thương gia đình của chúng ta và dám yêu những người yếu đuối nhất, và lại tìm thấy trong Tin Mừng một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Maria, người đã chấp nhận vất vả khi bắt đầu một cuộc hành trình và dạy chúng ta rằng đây là cách thế của Thiên Chúa: Thiên Chúa làm phiền chúng ta, khiến chúng ta phải chuyển động, khiến chúng ta “nhảy mừng”, như đã xảy ra với bà Elidabét. Và chúng ta muốn trở thành những Kitô hữu gặp gỡ Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và gặp gỡ anh em của chúng ta bằng tình yêu; những Kitô hữu nhảy mừng, rung động, đón nhận ngọn lửa Thánh Thần và rồi để mình bị đốt cháy bởi những vấn nạn ngày nay, bởi những thách đố của Địa Trung Hải, bởi tiếng kêu của người nghèo, bởi “những điều không tưởng thánh thiện” của tình huynh đệ và hòa bình đang chờ được thực hiện.

Cùng với anh chị em, tôi cầu nguyện với Đức Mẹ, Notre Dame de la Garde, để Mẹ gìn giữ cuộc sống của anh chị em, để Mẹ bảo vệ nước Pháp và toàn bộ Châu Âu và để Mẹ làm cho chúng ta nhảy mừng trong Thánh Thần. Tôi muốn cầu nguyện bằng những lời của Paul Claudel: "Con thấy nhà thờ, mở cửa… Con không có gì để dâng Mẹ và không có gì để cầu xin. Mẹ ơi, con chỉ đến để nhìn ngắm Mẹ. Nhìn ngắm Mẹ, khóc vì hạnh phúc khi biết rằng con là con của Mẹ và Mẹ đang ở đó. Mẹ Maria, ở bên Mẹ, ở nơi này, nơi có Mẹ... Bởi vì Mẹ luôn ở đó... Đơn giản bởi vì Mẹ là Đức Maria... Đơn giản vì Mẹ hiện hữu... Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, xin tạ ơn Mẹ!” (“La Vierge à midi”, Poëmes de Guerre 1914-1916, Paris, 1922).